Các loại bánh canh ngon và nổi tiếng ở miền Tây

  • Wed, 11/06/2014

Ẩm thực miền Tây, chỉ một món thôi cũng đã “làm nên chuyện”. Viet Fun Travel đang muốn nhắc đến 1 món ăn đặc sản của người miền Tây mà đã “biến tấu” ra rất nhiều “anh em cùng loại” đó là món bánh canh. Chỉ với tên gọi món bánh canh thôi, ở miền Tây có đến gần chục loại bánh canh ngon. Cùng Viet Fun Travel về miền Tây, “thâm nhập” vào lĩnh vực ẩm thực để khám phá ra các loại bánh canh ngon và nổi tiếng ở miền Tây như bánh canh giò heo, bánh canh vịt, bánh canh xắt, bánh canh tôm nước cốt dừa, bánh canh cá lóc v.v..

1. Bánh canh tôm nước cốt dừa

Chắc có lẽ miền Tây, với ưu thế về dừa ở vùng Bến Tre - xứ dừa nên nguồn nguyên liệu nước cốt dừa hầu như có quanh năm và có dư dả. Món bánh canh tôm nước cốt dừa có thành phần chính là sợi bánh, tôm và nước cốt dừa. Chọn tôm tươi chắc thịt, lột vỏ, bỏ chỉ đen và dùng dao đập dẹp. Sau đó bắc chảo dầu nóng, cho tôm vào cùng một ít gia vị, đảo đều đến khi tôm vừa chín thì tắt bếp. Để phần tôm này sang một bên, tiếp tục cho sợi bánh làm từ bột gạo vào đun sôi, khi gần chín cho tôm đã làm sẵn vào, sau đó cho nước cốt dừa vào và nêm gia vị cho vừa ăn.

Đậm đà món bánh canh tôm nước cốt dừa miền Tây

 

Một tô bánh canh tôm nước cốt dừa hoàn chỉnh có màu trắng của sợi bánh canh, màu trắng đục hơi sệt của nước dùng, màu hồng của tôm và điểm xuyết một chút sắc xanh của hành lá. Nếu thích, có thể rắc vào đó một chút tiêu để thêm nồng lên mùi vị. Bánh canh tôm nước cốt dừa ăn có vị béo của nước cốt dừa, vị dai dai của bột và thơm giòn đậm đà của vị tôm. Sau này, người ta “biến tấu” thêm 1 ít nấm rơm hay 1 ít thịt heo vào trong đó cho thêm phần phong phú. Đi Tour du lịch miền Tây 1 ngày hay đi công tác, nhớ ghé thưởng thức 1 tô bánh canh tôm nước dừa ngon đậm đà này.

2. Bánh canh bột xắt miền Tây

Bánh canh này thường thấy xuất hiện ở Tiền Giang và Bến Tre. Tên gọi là bánh canh bột xắt vì khi chế biến, bột bánh canh được cán mỏng và xắt thành từng sợi nhỏ vừa ăn, nhìn rất bắt mắt. Gạo đem vo sạch, ngâm mềm rồi xay thành bột nước. Sau đó cho vào túi vải đăng cho thật ráo nước. Bóp bột đã đăng ra mâm, dùng nước thật sôi rưới đều lên bột (gọi là sú bột). Tiếp theo nhồi bột cho đều sao cho bột sú không quá khô cũng không quá nhão. Vo thành từng cục bột nhỏ vừa đủ để có thể cán dẹp dán vào thành chai thủy tinh. Sau đó phải khéo léo vừa cầm cổ chai, vừa lăn vòng chai, vừa đưa lưỡi dao bén ngót xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi rơi vào nồi nước đun sôi. Người làm lâu năm sẽ có kinh nghiệm và khéo tay, xắt bánh sao cho sợi bánh thật đều và đẹp mắt.

Chế biến món bánh canh bột xắt rất công phu và mất nhiều thời gian
 

Thông thường, bánh canh bột xắt miền Tây không nấu cùng thịt heo, thịt giò heo như bánh canh Trảng Bàng ở Tây Ninh hay món bánh canh cua ở Sài Gòn. Bánh canh bột xắt được nấu cùng thịt vịt và huyết vịt cùng nếp dẻo tạo thành món huyết nếp đặc sắc và lạ miệng. Bánh canh bột xắt miền Tây có nước bánh canh sền sệt, màu trắng đục chứ không loãng như bánh canh bột lọc thường thấy ở Sài Gòn. Món bánh canh bột xắt không được ăn cùng với nước mắm chanh ớt mà dùng nước mắm gừng tạo nên mùi vị hấp dẫn. Du lịch về miền tây, đặc biệt là khi đến hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thì bạn sẽ dễ dàng được nếm qua món ăn ngon tuyệt này. Món bánh canh thì không có gì xa lạ đối với người Sài Gòn, nhưng với món bánh canh bột gạo xắc thì chỉ khi bạn về thăm miền quê ở Miền Tây thì mới được thưởng thức món ăn này đúng kiểu.

3. Bánh canh giò heo

Bánh canh giò heo thì ngoài miền Tây thì các vùng miền khác cũng có nhưng quan trọng là mỗi miền có cách nêm nếm, hương vị đặc trưng riêng. Món bánh canh giò heo Nam Bộ rất thường thấy xuất hiện ở các hàng quán ăn bởi vì cách nấu đơn giản, dễ ăn, bổ dưỡng mà rất ngon miệng. Một tô bánh canh giò heo hoàn chỉnh gồm sợi bánh canh trong suốt, giò heo chọn loại ngon, ninh vừa phải, sao cho không quá dai cũng không quá nhừ nát, có thể thêm vài thịt luộc thái mỏng và ăn cùng với nước mấm chanh ớt, kèm dĩa rau sống đủ loại.

Món bánh canh giò heo thơm ngon, bổ dưỡng có nhiều ở miền Tây
 

Điều làm nên sức hấp dẫn cho món ăn này của người miền Tây chính là những khoanh giò to đùng, béo ngậy. Những miếng giò vừa to, thịt mềm nhưng không bở và vẫn có vị ngọt thịt rất tự nhiên. Bên cạnh đó, nước dùng phải được nấu từ nước hầm xương để có vị ngọt thanh đặc trưng của xương chứ không phải cái ngọt gắt của gia vị. Có người kỹ hơn thì nấu nước súp bánh canh từ rau củ và nấm để có vị ngọt thanh, đậm đà khi kết hợp với các nguyên liệu khác.

4. Bánh canh cá lóc nước dừa miền Tây

Cá lóc miền Tây có nhiều, và một món ăn đi kèm với cá lóc là món bánh canh.  Bánh canh cá lóc khác với những loại bánh canh khác ở chỗ sợi bánh tuy cũng được làm bằng bột gạo nhưng bột không xay bằng máy mà giã bằng tay. Cũng không dùng máy để se rồi cắt bánh thành sợi tròn dài. Vì thế, sợi bánh nhìn ngắn hơn, mập hơn, hai đầu nhọn hơn (nhìn giống hệt sợi bánh lọt). Do vậy, để làm món bánh này mất rất nhiều thời gian, rất công phu nhưng bù lại sợi bánh ăn rất ngon mà rất lạ. Sợi bánh hơi dày hơn sợi bánh thường thấy, bột mềm nhưng vẫn dai.

Bánh canh cá lóc nước dừa,một món ăn đặc trưng của người miền Tây Nam Bộ
 

Bánh canh cá lóc có gốc gác từ miền Trung nhưng khi vào đến miền Tây thì người dân Nam Bộ đã nêm nếm gia vị, thay đổi 1 chút để hợp với khẩu vị của người miền Tây. Có thể thêm 1 chút nước dừa vào để làm tô bánh canh cá lóc thêm hoàn hảo. Với nhiều thực khách, chỉ cần 1 lần thử thưởng thức món ăn này sẽ không bao giờ quên được hương vị thơm ngon của cá đồng, cái bùi, cái dai của bột gạo và vị béo ngậy của nước cốt dừa.

5. Bánh canh ghẹ

Theo nhiều người thì món bánh canh ghẹ xuất phát từ vùng Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, cũng khó mà phân biệt được là địa phương nào có trước. Chỉ biết là, khi đến miền Tây, được thưởng thức 1 tô bánh canh ghẹ, đó cũng là một cơ duyên của những thực khách gần xa khi dừng chân ở miền sông nước này. Bánh canh ghẹ nổi tiếng nhất khi nhắc đến là khi ở xứ sở Hà Tiên – Kiên Giang. Những con ghẹ xanh tươi ngon của vùng biển Hà Tiên đã tạo nên thương hiệu cho món bánh canh xứ biển này. Ghẹ phải là loại tươi ngon mới được đánh bắt lên, sau đó luộc chín, để nguyên con hoặc cắt đôi tùy theo ý thích của người ăn. Vì thế, nếu đi du lịch Hà Tiên, phải tìm thưởng thức món bánh canh ghẹ đặc biệt của vùng đất này thì mới không phí một chuyến đi khám phá sự độc đáo của ẩm thực vùng miền.

Bánh canh ghẹ rất nổi tiếng ở vùng Hà Tiên, Kiên Giang
 

Ngoài thành phần chính là ghẹ, trong món ăn còn có chả tôm, tiết lợn, nấm cùng với nước lèo được nấu sánh, đậm đà. Tô bánh canh ghẹ thơm ngon khi được chan với nước dùng nấu từ gạch của ghẹ. Khi đó nước dùng thơm, sánh và có vị ngọt thanh của ghẹ biển. Khi ăn có thể chấm ghẹ với muối tiêu chanh. Ở Sài Gòn, thực khách cũng có thể tìm được nhiều địa chỉ bán bánh canh ghẹ miền Tây ngon. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, hương vị đặc trưng của món bánh canh ghẹ miền Tây cũng đã thay đổi ít nhiều để làm hài lòng thực khách ở thành phố.

6. Bánh canh Bến Có – Trà Vinh

Những năm gần đây, du khách du lịch về miền Tây lại được nghe thêm 1 thương hiệu bánh canh là “Bánh canh Bến Có”. Bánh canh này gắn liền với địa danh ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Nhiều thực khách phương xa hoặc du khách đi tham quan du lịch miền Tây 2 ngày đi về trên quốc lộ 53 thuộc địa phận ấp Bến Có, hay dừng chân để thưởng thức món bánh canh ở đây.

Để làm nên một tô bánh canh Bến Có thơm ngon, người nấu cần dùng thịt nạc, các bộ phận của lòng heo, bánh canh, một số gia vị hành, tiêu, nước mắm. Để bánh canh ngon, thơm đặc trưng thì ngoài gia vị ra, người nấu rất “kỹ” trong khâu chọn gạo làm bột bánh. Gạo phải chọn loại lúa mùa, thường là lúa từ vụ năm (tháng năm) sẽ để sang vụ mười (tháng 10) dùng làm bánh là ngon nhất. Nếu dùng gạo mới sợi bánh sẽ dẻo, dễ gãy, khó làm và ăn không dai.

Bánh canh Bến Có, một thương hiệu nổi tiếng ở miệt Trà Vinh
 

Riêng nước dùng, để được ngọt và trong thì người nấu phải chọn thịt, xương loại ngon, rửa thật kỹ rồi cho vào nồi ninh nhỏ lửa, vớt bọt liên tục. Cho thêm vào ít củ hành tây và hành tím nướng cho nước dùng ngọt thơm. Nêm gia vị tiêu, muối, nước mắm cho vừa miệng. Để có món bánh canh ngon thì nước dùng được cho là thành phần quan trọng nhất. Thịt nạc, lòng heo chọn mua gồm đủ bộ phận cật, gan, phèo, tim… rửa sạch, bóp muối chanh cho mất mùi, cho vào nồi, thêm 1 muỗng cà phê dấm cho trắng rồi đem đi luộc. Người ta không luộc chung thịt hay lòng heo với nước dùng vì làm như thế nước dùng sẽ đục và mất mùi vị đặc trưng. Khi thịt và lòng heo được luộc chín thì xắt thành từng miếng vừa phải.

Bánh canh Bến Có ăn kèm với rau và chén nước mắm chanh ớt. Nước mắm phải là loại nguyên chất thơm ngon. Bánh canh mềm, thịt, lòng heo ngọt ngon, nước dùng thơm, tiêu cay, nước mắm đậm đà khiến nhiều người khi đã thưởng thức bánh canh Bến Có rồi sẽ nhớ mãi. Vì thế, nếu có dịp về Trà Vinh, Quý vị đừng quên tìm đến Bến Có để thưởng thức 1 tô bánh canh thơm ngon nhé.

7. Bánh canh vịt

Món bánh canh vịt rất nổi tiếng ở vùng Cai Lậy, Tiền Giang. Thành phần chính của món ăn là thịt vịt cỏ (là loại vịt được nuôi thả rong trên nhưng cánh đồng bạt ngàn ở miền Tây). Vịt cỏ có thịt săn chắc, ngọt và không có mỡ. Vịt sau khi làm sạch, được chà xát qua với rượu và gừng trước khi luộc chín để khử mùi tanh. Nước luộc vịt được đun sôi, nêm lại gia vị vừa ăn để làm nước dùng. Sợi bánh được làm từ bột gạo, ăn liền trong ngày, được xắt thành những sợi to, nhìn sao cân đối với miếng thịt vịt.

“Điểm nhấn” cho món bánh canh vịt là thịt vịt cỏ được nuôi ở đồng ruộng miền Tây Nam Bộ
 

Khi thưởng thức, thực khách mới có thể cảm nhận được hết cái vị thanh ngọt của nước dùng, thịt vịt mềm ngọt đậm đà rất vừa miệng. Vị mặn của thịt vịt khi chấm vào chén nước mắm gừng cay cay, húp một miếng nước dùng, thơm nồng mùi hành phi, mùi tiêu, hòa cùng vị dai dai của sợi bánh, vị ngọt của nước dùng. Quả là món bánh canh vịt có một-không-hai. Món bánh canh vịt đã làm phong phú thêm danh sách các loại bánh canh ngon và nổi tiếng ở miền Tây.

Ngoài 7 món bánh canh vừa kể ra ở trên, đến miền Tây, Quý vị còn biết thêm nhiều loại bánh canh khác như bánh canh cua, bánh canh tôm sườn non, bánh canh bò viên, bánh canh chay (đậu hũ, tàu hủ ky, củ cải, cà rốt), bánh canh chả cá kiểu miền Tây, bánh canh lòng, bánh canh gan v.v.. Dù cho loại bánh canh nào thì những “biến tấu” bánh canh cũng không làm mất đi hương vị rất đặc trưng của ẩm thực miền Tây Nam Bộ. Trong một thời gian không xa, những du khách du lịch về miền Tây sẽ có thể thưởng thức nhiều hơn 7 loại bánh canh ngon ở miền TâyViet Fun Travel vừa tổng hợp.

Viet Fun Travel

 

Nhận xét
Tour Du Lịch Miền Tây 1 Ngày

XEM NHIỀU NHẤT

Những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bạc Liêu

Những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Bạc Liêu

Khi đến du lịch một nơi, Quý khách cần...

Những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau

Những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau

Viet Fun Travel xin giới thiệu cùng bạn đ�...

Kinh nghiệm phượt bằng xe máy về Miền Tây

Kinh nghiệm phượt bằng xe máy về Miền Tây

Nếu bạn đã ngán với việc đi du lịch ...

Những địa điểm tham quan vườn trái cây miền Tây Nam Bộ

Những địa điểm tham quan vườn trái cây miền Tây Nam Bộ

Viet Fun Travel sẽ cung cấp cho Quý khách th...

Những món ăn ngon đặc sản ở Cà Mau

Những món ăn ngon đặc sản ở Cà Mau

Du lịch đến Cà Mau, ngoài việc thưởng ...